Trang chủ » Kiến thức » 6 chiếc mũ tư duy – Phương pháp tư duy hiệu quả cho mọi vấn đề

6 chiếc mũ tư duy – Phương pháp tư duy hiệu quả cho mọi vấn đề

Kiều Trịnh

Trong cuộc sống, sẽ có nhiều lúc chúng ta phải đứng trước những quyết định quan trọng và không phải ai có thể đưa ra lựa chọn nhanh, chính xác nhất. Điều đó có thể ảnh hưởng đến công việc cũng như nhiều yếu tố khác. Vậy, có cách nào để giải quyết vấn đề nan giải này hay không? Câu trả lời là có và có đến 6 chiếc mũ tư duy có thể giúp bạn đánh giá sự việc một cách khách quan. Từ đấy đưa ra được những quyết định đúng đắn. 

Vậy phương pháp tư duy 6 chiếc mũ là gì và cách ứng dụng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết được Trung tâm Đào tạo Tester chia sẻ ngay dưới đây.

6 chiếc mũ tư duy

Tìm hiểu về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

6 Chiếc mũ tư duy được biết đến lần đầu vào năm 1980, là phát kiến của TS. Edward de Bono và đã được giới thiệu chi tiết trong cuốn sách cùng tên, phát hành năm 1985. Phương pháp tư duy này chỉ ra rằng có 6 trường hợp có thể xảy ra đối với mọi vấn đề. Vì vậy, con người có thể suy xét mọi sự việc một cách thấu đáo hơn. Đưa ra được nhiều quyết định đúng đắn trong việc lên kế hoạch hoặc dự phòng các tình huống có thể xảy ra. 

Kỹ thuật tư duy này được sử dụng nhiều trong việc kích thích suy nghĩ song song và toàn diện. Giúp con người hình thành thói quen tư duy phản biện để nhìn nhận mọi vấn đề một cách khách quan. Hỗ trợ tăng năng suất làm việc nhờ việc trao đổi hiệu quả với các thành viên trong nhóm. Bên cạnh đó, 6 chiếc mũ tư duy còn giúp chúng ta đưa ra được quyết định nhanh chóng khi có định hướng và biết soi xét các vấn đề một cách đa chiều. 

Tìm hiểu về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Vậy 6 chiếc mũ đó gồm những gì và ý nghĩa của từng mũ sẽ như nào?

Tư duy mũ trắng

Mũ trắng còn được gọi là mũ khách quan khi đánh giá vấn đề dựa trên dữ kiện có sẵn. Đây là lối suy nghĩ thông thường của con người khi đối mặt với một sự việc nào đó. Bạn chỉ việc tập trung vào các thông tin hiện có để giải quyết vấn đề. Các câu hỏi thường được đặt ra khi tư duy mũ trắng:

  • Thông tin hiện có gồm những gì, ra sao?
  • Chúng ta sẽ cần đến những thông tin gì để giải quyết vấn đề đang xét?
  • Cần có thêm thông tin bổ sung nào và cách thức thu thập ra sao?

Tư duy mũ đen

Màu đen đại diện cho sự tăm tối hay mặt trái của các sự vật, sự việc. Do đó, tư duy mũ đen sẽ là sự nhìn nhận các điểm yếu hay sự phản đối, thất bại của các vấn đề. Mục đích chính là để chúng ta có thể thấy được những mặt bất lợi để đưa ra quyết định khôn ngoan hơn. Tư duy này sẽ giúp bạn phòng tránh được các rủi ro có thể xảy đến khi thực hiện các dự án hay bất cứ vấn đề nào. 

Để sử dụng mũ đen một cách hiệu quả, bạn có thể đặt ra những câu hỏi như:

  • Đâu là những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra?
  • Khó khăn khi giải quyết vấn đề này là gì?
  • Những nguy hiểm, rắc rối nào có khả năng xảy ra?

Tư duy mũ xanh lá cây

Đây là mũ tư duy sáng tạo đúng như ý nghĩa sinh sôi nảy nở của màu xanh lá cây. Tư duy theo cách này đòi hỏi bạn cần suy nghĩ một cách cởi mở để tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề cần giải quyết. Vì đòi hỏi sự sáng tạo nên chúng ta sẽ không bị gò bó trong khuôn khổ nào. Thay vào đó, bạn có thể đưa ra nhiều phương hướng tốt nhất khi cần quyết định trong mọi trường hợp.

Để đưa ra được nhiều giải pháp, bạn có thể tham khảo các câu hỏi như:

  • Ngoài cách này, chúng ta còn cách nào khác để giải quyết vấn đề không?
  • Trong trường hợp này, có cách làm nào khác không?

Tư duy mũ xanh nước biển

Màu xanh cho chúng ta liên tưởng đến bầu trời bao trùm mọi vật trên trái đất. Chính vì lẽ đó nên tư duy mũ xanh sẽ đại diện cho người lãnh đạo, bao quát mọi vấn đề. Đây là chiếc nón dành cho người chủ trì hay trưởng nhóm nhằm tổ chức và điều phối hoạt động của tất cả mọi người.

Người đội mũ xanh dương sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các buổi thảo luận. Họ sẽ cần phải kiểm soát tiến trình tư duy của cả nhóm để đánh giá được vấn đề một cách khách quan nhất. Đặc biệt, người đội mũ xanh cần đảm bảo một quy tắc “Trong cùng thời điểm, tất cả mọi người cần phải đội mũ cùng màu”.

Các câu hỏi được đặt ra lúc này là:

  • Để xác định trọng tâm vấn đề cần thảo luận: Mục tiêu cuối cùng là gì? Chúng ta ở đây để làm gì? Cần làm rõ vấn đề gì?
  • Tập hợp ý kiến, tóm tắt và kết luận: Phương án cuối cùng là gì? Khi nào chúng ta có thể bắt đầu hành động? Kế hoạch cụ thể ra sao? Có cần thêm thời gian hay thông tin để giải quyết vấn đề hay không.

Tư duy mũ đỏ

Màu đỏ là hình ảnh tượng trưng cho lửa đỏ cháy rực, là dòng máu nóng và sự ấm áp. Vì vậy, tư duy mũ đỏ sẽ dựa vào cảm xúc, giác quan để đánh giá sự việc. Khi đội mũ đỏ, bạn sẽ không cần quan tâm quá nhiều đến tính khoa học, logic. Thay vào đó, chúng ta sẽ dùng trực giác mách bảo. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng đây cũng là một kiểu tư duy được nhiều người sử dụng và cũng có hiệu quả nhất định. Rất phù hợp cho những vấn đề cần giải quyết về mặt tình cảm nhiều hơn là lý trí.

Khi sử dụng mũ đỏ để phán đoán, bạn có thể sử dụng các câu hỏi dạng như:

  • Tôi có cảm giác gì về vấn đề đang cần giải quyết?
  • Trực giác đang mách bảo điều gì?
  • Tôi có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này, thích hay không thích?

Tư duy mũ vàng

Khi đội mũ vàng, bạn sẽ liên tưởng đến những mặt tích cực, sự lạc quan cho vấn đề đang giải quyết. Chính điều này sẽ giúp chúng ta tìm thấy những lợi ích hay cơ hội mà quyết định sắp tới có thể mang lại. Từ đấy có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành các công việc dù có gặp phải khó khăn hay trở ngại.

Những câu hỏi được sử dụng trong tư duy mũ vàng:

  • Những mặt tốt, mặt tích cực của vấn đề này là gì?
  • Chúng ta có thể nhận được những lợi ích gì khi tiến hành dự án này?
  • Tính khả thi của vấn đề này là gì?

Quy trình áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Để sử dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện theo một trình tự hợp lý. Trong đó, người trưởng nhóm (Đội mũ xanh dương) sẽ chia thời gian tập trung cho từng mũ để mọi người cùng đưa ra ý kiến. Sau đó tổng kết lại và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề. Dưới đây là quy trình áp dụng cụ thể:

Quy trình áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

chiec mu tu duy

  • Bước 1 (Mũ trắng): Các thành viên nhìn nhận vấn đề dựa trên thông tin có sẵn. 
  • Bước 2 (Mũ xanh): Mọi người cùng đóng góp ý kiến để đưa ra hướng giải quyết. Lúc này cần đề cao sự sáng tạo để tìm ra nhiều phương hướng hiệu quả nhất. Đánh giá các giá trị của từng ý kiến nhận được.
  • Bước 3 (Mũ vàng): Nêu ra các lợi ích nhận được đối với từng ý kiến. Ở bước này, bạn có thể sử dụng các câu hỏi như ý kiến này có thể mang lại lợi ích gì, tại sao nó tốt hơn ý kiến kia,…
  • Bước 4 (Mũ đen): Liệt kê các hạn chế hay lưu ý cho từng ý kiến. Đặc biệt cần chú ý đến tính logic của vấn đề để phòng các rủi ro có thể xảy đến.
  • Bước 5 (Mũ đỏ): Suy xét vấn đề dựa trên trực giác mách bảo mà không cần bào chữa.
  • Bước 6 (Mũ xanh): Người chủ trì sẽ tổng kết và đưa ra kết luận để kết thúc buổi thảo luận.

Đây chỉ là trình tự tư duy cơ bản nhất và trong một số trường hợp khác bạn có thể áp dụng theo cách khác để mang đến hiệu quả tối ưu.

Ví dụ áp dụng kỹ thuật 6 chiếc mũ tư duy cụ thể

Để hiểu rõ hơn về cách áp dụng 6 chiếc mũ tư duy, hãy cùng đến với ví dụ cụ thể sau. Ở đây, chúng ta có bài toán cần giải là về việc quyết định thêm tính năng voice chat vào phần mềm mạng xã hội mới được xây dựng. 

Mũ trắng: Thông tin cơ bản

  • Ứng dụng mạng xã hội của công ty mới có các tính năng cơ bản cho phép việc kết nối, giao tiếp thông qua các bài viết, phần bình luận nhưng chưa thực sự nổi bật so với các thương hiệu mạnh khác vốn có nhiều tiếng tăm trên thị trường như Facebook, Instagram…
  • Thương hiệu mới, chưa được nhiều người biết đến nên khả năng tiếp cận chưa cao.
  • Việc tích hợp tính năng nhắn tin trên cùng 1 ứng dụng đã được một số tên tuổi khác sử dụng trước đó và cũng mang lại nhiều phản hồi tích cực.

Mũ xanh: Sáng tạo ý tưởng

  • Có nên tích hợp thêm tính năng nhắn tin và cụ thể hơn là voice chat vào trong ứng dụng mới hay không?
  • Kết hợp voice chat vào khung chat trực tiếp hay để thành một tiện ích nhỏ của phần chat?
  • Thêm tính năng thay đổi giọng nói cho người dùng khi sử dụng voice chat. Tạo sự thu hút, tò mò khám phá cho mọi người.
  • Thời hạn tối đa cho voice chat là bao nhiêu lâu? Có giới hạn không?

Mũ vàng: Mặt tích cực

  • Mọi người sẽ thích tính năng voice chat vì mang đến sự tiện lợi. 
  • Có thể chat ngay trên một ứng dụng duy nhất, không tốn thêm nhiều bộ nhớ và tối ưu quá trình sử dụng.
  • Mang đến những cuộc hội thoại đầy thú vị khi cho phép người dùng được thay đổi giọng nói.
  • Người dùng không cần tốn thời gian bấm phím nhưng vẫn có thể duy trì cuộc hội thoại giao tiếp.

Mũ đen: Mặt tiêu cực

  • Dung lượng app tăng lên, chiếm nhiều bộ nhớ hơn
  • Tích hợp tính năng voice chat cần tốn nhiều thời gian nghiên cứu.

Mũ đỏ: Cảm tính

  • Tối ưu quá trình sử dụng cho người dùng
  • Thoải mái sử dụng tất cả trong một ứng dụng duy nhất, không cần tải nhiều, đỡ tốn dung lượng.

Mũ xanh: Tổng kết

  • Vẫn nên triển khai việc tích hợp thêm tính năng nhắn tin và voice chat trên ứng dụng mới phát triển để tăng thêm trải nghiệm cho người dùng. 
  • Đồng thời cần phải tối ưu bộ nhớ để không gây cản trở cho quá trình cài đặt.

Ưu nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Ưu nhược điểm của phương pháp tư duy 6 chiếc mũ

Về ưu điểm: 

  • Cho phép đơn giản hóa lối tư duy khi chỉ cần xem xét một khía cạnh trong một thời điểm cụ thể.
  • Không gây xích mích khi tránh được việc ảnh hưởng đến cái tôi của mỗi người.
  • Đưa ra được nhiều hướng giải quyết hiệu quả trong thời gian ngắn.

Về nhược điểm:

  • Có thể khiến cuộc nói chuyện trở nên gượng gạo nếu người điều hành không có kỹ năng điều phối tốt.
  • Đòi hỏi cần có sự tính toán thời gian một cách tỉ mỉ, chi tiết để không bị kéo dài thời gian thảo luận.

Với những ưu nhược điểm kể trên thì có thể thấy rằng 6 chiếc mũ tư duy sẽ phù hợp khi cần giải quyết các vấn đề hệ trọng với thời gian dài. Do đó không thể sử dụng trong các trường hợp cần quyết định nhanh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng phương pháp tư duy này mang đến nhiều công cụ hiệu quả giúp giải quyết được hầu hết vấn đề trong cuộc sống. Vậy bạn còn chần chừ gì mà không thử áp dụng ngay bây giờ.

5/5 - (4 bình chọn)
Từ khóa:
Bình luận
Đăng ký nhận ưu đãi hấp dẫn
Đăng ký nhận ưu đãi hấp dẫn

    Icon Phone